Họa sĩ Tú Duyên tên thật là Nguyễn Văn Duyến (1915-2012). Tú Duyên cùng khóa học với các họa sĩ: Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), Mạnh Quỳnh (1917-1991), Nguyễn Sỹ Ngọc (1919-1990), Nguyễn Thị Kim (1917-2011)… tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Tranh của ông lấy đề tài từ các tác phẩm văn học như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm hay văn học dân gian. Ông cũng vẽ các vị vua Việt Nam và các nhân vật lịch sử đáng chú ý khác. Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện trưng bày tác phẩm của ông gồm chín bức tranh trên vải và 52 bảng khắc gỗ.
Thời gian đầu vào Nam, ông vẽ tranh cho các báo, vẽ tranh lụa… Yêu thích tranh dân gian Đông Hồ từ bé, bị cuốn hút bởi những hình ảnh vui tươi, gần gũi, khoáng đạt của người dân quê hồn hậu qua bản khắc gỗ thật đẹp nên sau đó ông quyết tâm chọn một con đường riêng gắn với tranh dân gian mà sau nhiều mày mò, tìm kiếm mới hình thành nên thủ ấn họa. Để thực hiện một bức tranh dân gian Đông Hồ, tranh có bao nhiêu màu thì phải có bấy nhiêu bản khắc gỗ, và đều là các bản dương. Với thủ ấn họa, chỉ dùng một bản âm và một bản dương, họa sĩ sử dụng ngón tay, lòng bàn tay, cạnh tay để xoa màu trên bản khắc rồi đặt lụa lên, mặt âm làm phông, sau đó dùng mặt dương để nhấn thêm rồi xoa, ấn, vỗ, miết… trên mặt lụa cho thấm màu. Mỗi bản tranh làm theo lối thủ ấn họa lại có màu sắc đậm nhạt, dày mỏng khác nhau tùy theo sự điều chỉnh linh hoạt của họa sĩ.